Bối cảnh Chiến_dịch_tấn_công_hữu_ngạn_Dniepr

Bối cảnh kinh tế - chính trị - quân sự

Bước sang năm 1944, nước Đức Quốc xã đứng trước nguy cơ phải đối đầu với nhiều mặt trận. Ở Bắc Phi, Tập đoàn quân 20 của Thống chế Erwin Rommel đã bị đánh bại hoàn toàn tại Chiến dịch Tunisia với những tổn thất rất lớn về người và phương tiện chiến tranh. Quân Đồng Minh quét sạch quân đội phe Trục phát xít ra khỏi Châu Phi, mở cuộc đổ bộ vào đảo Sicilia của Ý vào tháng 7 năm 1943. Đến đầu năm 1944, họ đã tác chiến trên lãnh thổ miền Nam nước Ý. Từ ngày 28 tháng 11 đến 1 tháng 12 năm 1943, lãnh đạo ba nước đồng minh chủ chốt chống phát xít Joseph Stalin (Liên Xô), Franklin D. Roosevelt (Hoa Kỳ) và Winston Churchill (Anh Quốc) họp tại Tehran, Iran đã nhất trí mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu sau tháng 3 năm 1944 và thiết lập mối quân hệ chặt chẽ hơn giữa quân đội các nước Đồng Minh. Sau những sự kiện đó, quân đội Đồng Minh Anh - Mỹ ráo riết xúc tiến việc chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên nước Pháp.

Mặt trận phía Đông, Quân đội Đức Quốc xã đã mất vùng công nghiệp giàu có Donbas, bị đẩy lùi về biên giới Nga - Byelorussia và hữu ngạn sông Dniepr. Cuộc bao vây Leningrad cũng thất bại sau gần 900 ngày đêm, Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) bị đẩy ra khỏi lãnh thổ Nga. Quân đội Đức Quốc xã cũng phải rút khỏi Kiev và bị đánh bại trong trận phản công nhằm lấy lại thành phố quan trọng này. Ở phía Nam, họ cũng thất bại trong việc ngăn cản Quân đội Liên Xô đánh chiếm Dniepropetrosk và để xuất hiện hai bên sườn Cụm Tập đoàn quân Nam hai cụm bàn đạp hết sức quan trọng ở khu vực Kiev và khu vực Znamenka - Aleksandrya - Piatikhatka. Trong khi Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã tổ chức phòng ngự khá chặt chẽ ở phòng tuyến sông Berezina và thượng nguồn sông Dniepr thì nguy cơ Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) bị đột kích từ hai bên sườn đã thể hiện rõ ràng nhất.[10]

Những thất bại liên tiếp trên chiến trường đã làm lay động các nước đồng minh châu Âu của nước Đức Quốc xã. Phong trào du kích chống lại sự chiếm đóng của phát xít Đức đã bùng lên tại Pháp, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Na Uy, Bulgaria, Romania và ngay tại nước Ý, đồng minh thân cận của nước Đức Quốc xã. Hầu hết các đồng minh thân cận của nước Đức Quốc xã tại châu Âu (trừ Tây Ban Nha) đều gặp phải những biến cố chính trị.[11] Các tổ chức cộng sản tại Hungary, Bulgaria, Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư, Ba Lan, Albania, Phần Lan đều tăng cường các hoạt động chống phát xít, thậm chí, đã đẩy mạnh đấu tranh vũ trang như ở Bulgaria, Nam Tư, Tiệp Khắc và Albania[12]. Tuy nhiên, nước Đức Quốc xã vẫn còn khá nhiều tiềm lực dự trữ và có thể huy động những nguồn lực rất lớn từ nền công nghiệp chiến tranh hiện đại của họ cùng với công sức của hơn 30 triệu lao động người Đức và hơn 7 triệu lao động khổ sai trong các trại Holocaust.[13]

Tính đến tháng 1 năm 1944, nước Đức Quốc xã vẫn đang sở hữu một quân đội khổng lồ gồm 10.598.000 người (Lục quân: 7.255.000 người; Không quân: 2.149.000 người; Hải quân: 763.000 người; Lực lượng SS: 430.000 người). Trong đó có 6.906.000 quân thường trực (Lục quân: 4.399.000 người; Không quân: 1.612.000 người; Hải quân: 572.000 người; Lực lượng SS: 323.000 người); 3.692.000 quân dự bị động viên (Lục quân: 2.856.000 người; Không quân: 537.000 người; Hải quân: 191.000 người; Lực lượng SS: 107.000 người). Tài sản quân sự chủ yếu của lục quân Đức Quốc xã gồm 5.202 xe tăng, 4.333 pháo tự hành, 68.000 pháo và súng cối. Trong đó có 4.702 xe tăng, 4.280 pháo tự hành, 65.4000 pháo và súng cối được bố trí tại các đơn vị trên các mặt trận. Dự trữ chiến lược về phương tiện của lục quân Đức cũng còn đến 500 xe tăng, 53 pháo tự hành, 2.600 pháo và súng cối. Không quân Đức vẫn còn sở hữu 5.400 máy bay và hàng nghìn máy bay vận tải dân sự có thể huy động được trong tác chiến (chủ yếu dùng để ném bom) và vận tải quân sự.[2]

Tuy nhiên, dấu hiệu sa sút của nền công nghiệp quân sự Đức có thể nhìn thấy rõ nhất ở việc sản xuất xe tăng. Do việc ham chuộng phát triển các loại xe tăng to, nặng, có tính năng chiến đấu cao và trang bị tiện nghi tốt nhưng lại kém cơ động và đắt tiền như Con báo, Con cọpVua cọp trong khi tổng gói kinh phí sản xuất và tổng số công lao động không thể tăng tương ứng đã làm cho sản xuất xe tăng không thể bù đắp nổi số lượng bị thiệt hại. Với việc đầu tư mạnh vào việc thiết lập các dây chuyền sản xuất xe tăng mới và thu hẹp các dây chuyền sản xuất xe tăng cũ (từ loại Panzer III trở về trước) nước Đức Quốc xã đã để sản lượng xe tăng của mình sụt giảm nghiêm trọng, từ trên 38.000 chiếc/năm 1942 giảm xuống 27.300 chiếc/năm 1943 và tiếp tục giảm xuống còn 19.900 chiếc trong năm 1944, khi nước Đức đã phải chiến đấu trên cả hai mặt trận Đông và Tây.[14] Đây là điều nguy hiểm trong chiến tranh tổng lực, khi các đối phương của họ (Liên Xô và các đồng minh chống phát xít) chú trọng vào tăng mạnh sản lượng hơn là đưa ra những thay đổi lớn về thiết kế, cấu tạo, tính năng mới để tránh làm xáo trộn dây chuyền sản xuất hiện có.[15] Thậm chí, người Nga còn hi sinh sự tiện nghi của trang bị phục vụ người lính trên xe tăng để đối lấy giá rẻ, sức cơ động và tính năng chiến đấu cao. Ví dụ rõ rệt nhất là trường hợp của xe tăng T-34-85 được tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong khi kiểu T-43-85 bị hạn chế mặc dù có những ưu việt nhất định nhưng giá thành sản xuất cao hơn nhiều. Sản lượng máy bay chiến đấu của nước Đức cũng giảm sút, đặc biệt là máy bay tiêm kích, do nước Đức đã san sẻ tiền của và sức lao động để phát triển các loại máy bay mới Fw 190 A-7, Fw 190 G-8,Me-110Me-210. Các dự án Me-163, Me 262 và Me-264 cũng "ngốn" một số kinh phí, nguyên nhiên vật liệu và công lao động không nhỏ[16].

Sau 30 tháng chiến tranh, Liên Xô, đối thủ chính của nước Đức Quốc xã đã phục hồi hoàn toàn nền công nghiệp quốc phòng và tăng gấp bội sản lượng vũ khí, phương tiện cung cấp cho mặt trận. Từ 6 tháng cuối năm 1943 đến tháng 2 năm 1944, 1.523 nhà máy công nghiệp quốc phòng chủ chốt của Liên Xô đã cung cấp cho mặt trận hơn 29.000 xe tăng, khoảng 34.000 máy bay, trên 101.000 pháo và súng cối và đến 7,4 tỷ viên đạn các loại[17]. Đầu năm 1944, Quân đội Liên Xô trên mặt trận Xô-Đức có 6.100.000 quân, 4.900 xe tăng và pháo tự hành, 8.500 máy bay chiến đấu, 91.000 pháo và súng cối[18]. Với ưu thế 1,3/1 về người, 1,7/1 về pháo binh và 2/1 về không quân, Quân đội Liên Xô đã có thể tập trung binh lực và phương tiện tại mặt trận hữu ngạn Ukraina nhằm đánh tan Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) và tiêu diệt Tập đoàn quân 17 (Đức) đang bị cô lập tại Krym.[19].

Tình huống mặt trận

Bản đồ các chiến dịch tấn công của Quân đội Xô Viết tại hữu ngạn Ukraina - 1944

Sau khi Chiến dịch Nizhni Dnieprovsk kết thúc vào cuối tháng 12 năm 1943, Quân đội Liên Xô đã thu hồi toàn bộ tả ngạn Ukraina, cắt đứt đường rút lui trên bộ và cô lập Tập đoàn quân số 17 (Đức)Krym với Cụm tập đoàn quân Nam (Đức). Không dừng lại bên tả ngạn, Quân đội Liên Xô đã đánh chiếm hai đầu cầu lớn rất quan trọng gồm khu vực Kiev - Fastov (ở cánh Bắc) và khu vực Znamenka - Piatikhatka ở phía Nam, sau đó mở rộng chúng thành hai bàn đạp chiến lược trên hữu ngạn sông Dnepr để tiến hành các cuộc tấn công lớn trong chiến dịch Dnepr—Carpath.[20] Các chiến dịch tấn công cuối năm 1943 của quân đội Liên Xô trên hữu ngạn sông Dniepr đã "để lại" vài "chỗ lồi" trên ở trung lưu sông Dnepr. Trong đó có một chỗ lồi rất lớn ở Nam Kiev với trung tâm chính là thành phố Korsun nằm giữa các phương diện quân Ukraina 1 và 2, và một chỗ lồi nhỏ hơn ở khu vực Krivoy Rog - Nikopol.

Đây là hai khu vực tập trung binh lực rất lớn của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức), trong đó có Tập đoàn quân xe tăng 1 từng một thời tung hoành trên các cánh đồng lúa mì Nam Nga, Nam Ukraina và thảo nguyên Kuban. Chủ lực quân Đức trên khu vực này là 18 sư đoàn xe tăng và cơ giới, gần bằng số sư đoàn xe tăng và cơ giới trước trận vòng cung Kursk. Trong ba cụm tập đoàn quân chủ yếu của Quân đội Đức Quốc xã trên mặt trận Xô-Đức, Cụm tập đoàn quân Nam vẫn là cụm mạnh nhất do được biên chế gần 65% số xe tăng, 55% số pháo, cối và 45% số máy bay chiến đấu so với toàn bộ phương tiện của quân Đức trên mặt trận Xô-Đức.

Chính sách "cấm rút lui" của Adolf Hitler mà Hitler kiên trì từ sau Trận Stalingrad đã buộc quân Đức phải căng sức ra giữ các vị trí nguy hiểm, bất chấp sự phản đối của Erich von Manstein, Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Nam.[1] Quân đội phát xít Đức cũng chịu một số bất lợi do Chỉ thị số 51 được Hitler ban hành mà không tính đến so sánh lực lượng trên Mặt trận phía Đông. Mặc dù trong chỉ thị này, ông ta cho phép các tướng lĩnh ở Mặt trận Xô-Đức được quyền tùy nghi tổ chức phòng thủ chủ động nhưng thực chất chỉ thị này gây bất lợi cho các tướng lĩnh Đức vì một phần binh lực đã bị điều sang Tây Âu nhằm phòng bị trước kế hoạch tấn công của Anh và Hoa Kỳ trên Tây Bắc châu Âu, trong đó có Sư đoàn xe tăng "Adof Hitler" và Sư đoàn xe tăng "Đế Chế" cùng toàn bộ cơ quan chỉ huy của Quân đoàn xe tăng 2 SS.[21] Đồng thời Hitler khăng khăng yêu cầu các đơn vị của ông ta phải "bám trụ tại nơi họ chống giữ" vì theo ông ta, binh lực Quân đội Đức ở khu vực Ukraina vẫn còn rất mạnh. Hitler rất quan tâm đến việc căn cứ bàn đạp nhỏ nằm gần Krivoy RogNikopol nhằm chia bớt lực lượng của quân đội Liên Xô, không cho họ tiến xuống phía Nam, để quân Đức giữ vững các cứ điểm ở bán đảo Krym; đồng thời ngăn chặn Quân đội Liên Xô dùng nơi này làm bàn đạp đánh chiếm các mỏ dầu ở Ploieşti, România. Hitler cho rằng, việc để mất Krym sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ vị trí trung lập và gia nhập phe Đồng Minh.[21]

Binh lực của quân đội Liên Xô trước Chiến dịch tấn công hữu ngạn Ukraina không chiếm ưu thế lớn so với Cụm tập đoàn quân Nam (Đức). Trong các trận đánh vượt sông Dniepr, các trận đánh ở Kiev và Znamenka, họ đã phải tiêu hao một phần lực lượng dự bị chiến lược, chủ yếu là xe tăng, máy bay và tổn thất không nhỏ về người. Đến ngày 1 tháng 1 năm 1944, 4 Phương diện quân Ukraina và cánh Nam Phương diện quân Byelorussia của Liên Xô chỉ hơn Cụm tập đoàn quân Đức 10% về quân số, 50% về pháo binh, 50% về không quân nhưng thua kém quân Đức 10% về số lượng xe tăng và pháo tự hành.[22] Nhưng do tập trung binh lực trên những hướng tấn công chính nên tại các địa đoạn đột phá của Quân đội Liên Xô, tỷ lệ so sánh đạt được đến 2/1 về người, 3/1 về xe tăng và đến 5/1 về pháo binh trong Chiến dịch Korsun–Shevchenkovsky và còn lớn hơn nữa trong Chiến dịch Proskurov–Chernovtsy[23].

Tuy địa hình ở hữu ngạn Ukraina cao hơn vùng tả ngạn nhưng vẫn khá bằng phẳng, thuận lợi cho việc cơ động xe tăng cơ giới và pháo binh, đặc biệt là các xe tăng hạng nặng. Duy chỉ có vùng hạ lưu các con sông Dniepr, Nam Bug và Dniestr tuy là đồng bằng nhưng có nhiều đầm lầy ở khu vực cửa sông. Ở giữa khu vực có những dải đồi dẫn đến phía Đông dãy núi Carpath, cũng là nơi mà Quân đội Đức đã tràn quân với tất cả thế mạnh của xe tăng, pháo binh và không quân hồi mùa hè năm 1941. Yếu tố chính trị-quân sự duy nhất thuận lợi cho quân Đức trong khu vực là sự tồn tại của các lực lượng ly khai ở Tây Ukraina của Mennik và Bandera. Từ tháng 6 năm 1941, lực lượng này đã chiến đấu chống lại Quân đội Liên Xô dưới sự chỉ huy của các sĩ quan SS, được cấp vũ khí, lương thực và quân phục Đức. Trong các chiến dịch của quân đội Liên Xô tiến hành tại hữu ngạn Dniepr, lực lượng này liên tục quấy rối phía sau lưng quân đội Liên Xô, tổ chức các hoạt động ám sát, bắt cóc, phá hoại. Quân đội Liên Xô phải điều đến đây các đơn vị SHMERS (lực lượng phản gián tiền phương) và các trung đoàn NKVD để bảo vệ hậu phương mặt trận.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_hữu_ngạn_Dniepr http://books.google.com/books?id=33g3ujB6mAoC&dq=r... http://books.google.com/books?id=6UaU6ZLqK4UC&dq=R... http://books.google.com/books?id=Biy-5FvnEUAC http://books.google.com/books?id=DX5rHgAACAAJ&dq=r... http://books.google.com/books?id=JBQOAAAACAAJ&dq=S... http://books.google.com/books?id=KSld2jCQpwkC http://books.google.com/books?id=O2zpAAAACAAJ&dq=W... http://books.google.com/books?id=QQgbAAAAIAAJ&q=ru... http://books.google.com/books?id=X49RqlegjboC&ei=h... http://books.google.com/books?id=_dAWAQAAIAAJ